Tác phẩm đoạt giải

Củng cố hệ thống chính trị vùng đặc thù

Bài 1: Những chuyển biến mới

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xây dựng, ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị tại các vùng đặc thù. Trong đó, chú trọng củng cố chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản vùng có đông đồng bào theo đạo, vùng dân tộc thiểu số…

Qua khảo sát thực tế về hệ thống chính trị vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo, từ Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV (nhiệm kỳ 2000-2005) đến khóa XVIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Tỉnh ủy Nghệ An liên tục ban hành các nghị quyết, đề án, kết luận, chỉ thị liên quan đến việc xây dựng hệ thống chính trị vùng đặc thù.

Đáng chú ý là Nghị quyết số 18/NQ-TU năm 2004 về củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số, vùng giáo; Kết luận số 10/KL-TU năm 2006 về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số; Kết luận số 09/KL-TU năm 2006 về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng giáo; Chỉ thị số 20 về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Kết luận số 09/KL-TU.

Và gần đây là Đề án số 01/ĐA-TU, ngày 10-8-2016 về xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ, giai đoạn 2016 - 2020. Triển khai các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể mang lại những chuyển biến tích cực.

Nỗ lực “xóa” yếu, giảm “trắng”

Nghệ An có khoảng 27 vạn giáo dân, 325 xứ họ đạo ở 211/480  xã, phường, thị trấn; 15 huyện, thành, thị có tổ chức cơ sở tôn giáo. Những năm trước đây, tỷ lệ thôn, xóm “trắng” đảng viên và chưa có chi bộ ở vùng đồng bào có đạo trên địa bàn tỉnh khá cao. Từ thực tiễn, các địa phương đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm "xóa" thôn, bản “trắng” đảng viên và tổ chức đảng.

Yên Thành là địa bàn có số dân theo đạo chiếm 13%, phân bổ ở 27/39 xã, thị trấn, chiếm 69,23% tổng số xã trong toàn huyện, công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vùng giáo được Huyện ủy Yên Thành xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trong đó trọng tâm là phát triển đảng viên, xây dựng, củng cố chi bộ, các chi hội, chi đoàn ở thôn xóm - cấp gần dân nhất và trực tiếp triển khai thực hiện đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống.

Xóm Long Tiến (xã Công Thành) có 418 nhân khẩu, trong đó có 95,69% người dân theo đạo Thiên chúa. Đây là xóm có phong trào khá toàn diện về phát triển kinh tế, cải thiện đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Nói đến vai trò hạt nhân lãnh đạo của chi bộ xóm, Bí thư chi bộ Trần Khắc Mai - một đảng viên gương mẫu cho rằng: Muốn có sức mạnh thì trước hết phải có sự đoàn kết, từ người đứng đầu cấp ủy đến từng đồng chí đảng viên phải cùng một ý chí thống nhất. Việc gì ở xóm, đảng viên cũng phải gương mẫu đi trước để làng nước theo sau. Đơn cử như việc thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, ban đầu gặp khó khăn, nhiều người dân chưa đồng thuận, nhưng nhờ kiên trì trong tuyên truyền, vận động và sự tiên phong của cán bộ, đảng viên, Long Tiến trở thành xóm duy nhất trong 7 xóm giáo toàn tòng ở xã Công Thành thực hiện thành công dồn điền, đổi thửa.

Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, chi bộ Long Tiến đã kết nạp được 5 đảng viên người công giáo, nâng tổng số đảng viên chi bộ lên 20 đồng chí, chưa kể 4 đảng viên được tăng cường ở các chi bộ ghép khác. Đây cũng là chi bộ duy nhất vùng giáo ở Công Thành kết nạp được đảng viên trong nhiệm kỳ qua.

Còn tại xóm 13 - xóm giáo toàn tòng thuộc xã Bảo Thành, nơi có 5 đảng viên là công chức, cán bộ không chuyên trách xã tăng cường về, chi bộ xác định tập trung lãnh đạo thông qua Mặt trận và các tổ chức quần chúng. Trên cơ sở nghị quyết về nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể mà chi bộ ban hành, mỗi tổ chức đoàn thể đều xây dựng quy chế, kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể gắn với làm tốt công tác dân vận.

Đồng chí Nguyễn Trọng Cường, Bí thư Chi bộ xóm 13, xã Bảo Thành, cho rằng: Khi đoàn thể chuyển động, cán bộ, đảng viên từ suy nghĩ đến hành động đều vì việc chung, thì đồng bào giáo dân cũng rất ủng hộ. Minh chứng là trước đây việc thu nộp các loại quỹ thường “ách tắc” thì năm 2016, đến thời điểm này các loại quỹ đã đảm bảo 100%; người dân cũng tích cực tự nguyện ủng hộ hơn 1,5 tỷ đồng xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa...

Đồng chí Nguyễn Viết Hưng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Thành cho hay: Nhờ những cách làm hiệu quả, từ 30 xóm không đủ điều kiện thành lập chi bộ, thông qua giải pháp phát triển đảng viên tại chỗ; tăng cường đảng viên là cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách và công chức cấp xã về sinh hoạt ở chi bộ thôn, xóm đến nay Yên Thành đã “xóa” tình trạng “trắng” chi bộ ở vùng giáo.

Còn với huyện Quỳnh Lưu - địa bàn có đồng bào theo đạo Thiên chúa chiếm 16% dân số toàn huyện, thuộc 15/33 xã, thị trấn, ở 52/406 xóm, trong đó có 1 xã giáo toàn tòng; 2 xã có 50 - 60% giáo dân. Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu khóa XXVI đề ra 5 chương trình trọng tâm, trong đó có chương trình 4 về "Tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vùng đặc thù" gồm các vùng có đồng bào tôn giáo, đồng bào dân tộc ít người với nhiều giải pháp đồng bộ. Tiếp đó, Đảng bộ huyện nhiệm kỳ mới 2015-2020, khóa XXVII tiếp tục ban hành Nghị quyết số 04 ngày 22/4/2016 về “xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vùng giáo, dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”.

 Đến thời điểm này, nhìn chung, hệ thống chính trị cơ sở ở các địa bàn có tôn giáo cơ bản đảm bảo về mặt tổ chức, từ tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ cấp xã đến xóm. Từ năm 2010 trở về trước, toàn huyện Quỳnh Lưu có 32 xóm chưa đủ điều kiện để thành lập chi bộ. Thế nhưng với sự quyết liệt nhiều giải pháp, đến thời điểm này đã có 22 xóm thành lập được chi bộ...

Thực hiện Kết luận 09 -KL/TU ngày 5-12-2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng giáo, hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tăng cường 498 đảng viên về 125/168 xóm để thành lập chi bộ, trong đó có 62 xóm tăng cường 100% đảng viên; 13 xóm sinh hoạt ghép.

 Gây dựng nhân tố tích cực

 Đối với vùng dân tộc thiểu số nhất là 27 xã biên giới tiếp giáp nước bạn Lào, thuộc địa bàn 6 huyện (Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn và Quế Phong), cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm công tác phát triển đảng viên, củng cố chi bộ, đào tạo, sử dụng cán bộ cơ sở, phát huy vai trò người có uy tín làm trung tâm đoàn kết, nhịp cầu nối ý Đảng - lòng dân, đưa chủ trương, chính sách của Đảng đi vào cuộc sống.

Tại Nậm Càn - xã biên giới nằm phía Nam huyện Kỳ Sơn với 371 hộ, 2.100 khẩu đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Nhờ luôn quan tâm đến công tác tạo nguồn bồi dưỡng kết nạp đảng viên là thanh niên, bộ đội xuất ngũ, giáo viên và các quần chúng tiêu biểu ở các chi hội đoàn thể, nhiệm kỳ 2010-2015 Đảng bộ xã kết nạp được 55 đảng viên mới, tăng 83% so với chỉ tiêu nghị quyết.

 Riêng 6 tháng đầu năm 2016 đã giới thiệu 6 đồng chí đi học cảm tình đảng, chuyển đảng viên dự bị lên chính thức cho 3 đồng chí, nâng tổng số đảng viên lên 148 đồng chí. Bên cạnh đó, trong việc bố trí người đứng đầu, xã chủ trương chọn đội ngũ bí thư chi bộ  là người có kinh nghiệm, uy tín trong đồng bào, còn xóm trưởng là những người trẻ tuổi, năng động, xông xáo. 

 Ông Xầu Bá Lầu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nậm Càn cho hay: Kinh nghiệm và uy tín của người lớn tuổi kết hợp với sự năng động, sáng tạo của người trẻ sẽ bổ sung sức mạnh cho phong trào thôn bản.

 Chúng tôi vào bản Sơn Thành để gặp Bí thư chi bộ Mùa Vả Xênh - vốn là một cựu chiến binh đã được trao Huy hiệu 30 năm tuổi đảng với thâm niên hoạt động hàng chục năm. Dưới sự dẫn dắt của “đầu tàu” gương mẫu này, dẫu chỉ có 7 đảng viên, nhưng Chi bộ Sơn Thành  nhiều năm xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bản thân ông Mùa Vả Xênh cũng nhận được nhiều bằng khen của ban, ngành các cấp; ban mặt trận và các chi hội của bản cũng hoạt động khá đều tay.

Chia sẻ về phương pháp, Bí thư Mùa Vả Xênh cho hay: “Cán bộ, đảng viên cứ thực hiện đúng “nói đi đôi với làm” thì bà con sẽ nghe, tin và làm theo thôi”.

Trao đổi về công tác phát triển đảng viên vùng sâu, đồng chí Lữ Quang Hưng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Kỳ Sơn, cho biết: Đội ngũ cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số được coi là điểm tựa vững chắc cho sự phát triển của địa phương. Thời gian qua, Huyện ủy Kỳ Sơn đã tăng cường nâng cao trách nhiệm và nhận thức của cấp ủy đảng cơ sở đối với công tác bồi dưỡng, tạo nguồn đảng viên là những quần chúng ưu tú đang sinh sống, gắn bó lâu dài ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, học sinh, sinh viên con em các dân tộc ít người. Bình quân mỗi năm, huyện Kỳ Sơn kết nạp được 250 đảng viên mới...

Tại huyện Quế Phong, để củng cố hệ thống chính trị, nhất là đối với 4 xã biên giới còn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp như tệ nạn xã hội về ma túy, di dịch cư trái phép, truyền đạo Tin lành, Ban Thường vụ Huyện ủy quyết liệt chỉ đạo thực hiện các đề án "Nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ"; "Xóa cơ sở đảng yếu kém"; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cơ sở; phân công nhiệm vụ cho các đồng chí trong cấp ủy trực tiếp theo dõi đảng bộ cơ sở.

Đồng chí Lữ Đình Thi, Bí thư Huyện ủy Quế Phong, cho biết: "Các cán bộ được giao trọng trách từ xã đến xóm, bản phải vừa đảm bảo về tiêu chuẩn là người có uy tín được đồng bào tín nhiệm...".

Để giúp các cơ sở vùng biên giới củng cố hệ thống chính trị, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các huyện miền núi làm tốt công tác cán bộ, chủ động đào tạo, quy hoạch cán bộ, quan tâm quy hoạch cán bộ là dân tộc thiểu số. Đồng thời, ban hành Chỉ thị số: 32-CT/TU năm 1999 quy định về nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của cán bộ biên phòng tăng cường cho các xã, phường biên giới; Thông báo số 1002-TB/TU năm 2005 về việc "Chuyển cán bộ đảng viên BĐBP về tham gia sinh hoạt Đảng tạm thời tại các thôn (bản) tuyến biên giới phía Tây Nghệ An”.

Qua đó thực hiện đưa 25 sỹ quan biên phòng về giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã biên giới, 1 người làm Bí thư Đảng ủy tại xã tái định cư Thanh Sơn (Thanh Chương) và 77 cán bộ biên phòng về sinh hoạt đảng tạm thời tại các chi bộ thôn, bản vùng xung yếu.

 Đội ngũ cán bộ, đảng viên tăng cường xuống cơ sở là chỗ dựa vững chắc, tin cậy, giúp dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần; sống và làm việc theo pháp luật, không tin và nghe theo kẻ xấu. Đây cũng là nguồn nhân lực tăng cường vai trò “hạt nhân”, sức chiến đấu cho các chi bộ thôn bản.

Nhờ vậy, nếu năm 2006, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số Nghệ An có đến 52 bản chưa có chi bộ, 8 bản chưa có đảng viên, thì đến cuối năm 2014, 100% xóm, bản đã có chi bộ, đảng viên; chất lượng đảng viên chuyển biến tiến bộ, tỷ lệ đảng viên được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ được tăng lên theo từng năm...

Từ năm 2011 đến 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh kết nạp được 22.765 đảng viên mới là người dân tộc thiểu số, trong đó khối huyện kết nạp được 4.968 người: huyện Tương Dương 1.035 người, Kỳ Sơn 906 người, Quế Phong 835 người, Quỳ Hợp 630 người. Về đảng viên là người có đạo đến thời điểm này, toàn tỉnh có 733 người...

NHÓM P.V

Bài 2 : Vấn đề đặt ra trước nguy cơ tái 'trắng' chi bộ

Mặc dù được củng cố, kiện toàn và ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ, tuy nhiên, hệ thống chính trị cơ sở vùng đặc thù, nhất là cấp thôn, xóm, bản vẫn còn nhiều bất cập. Đáng chú ý ngoài việc một số thôn, xóm chưa có chi bộ thì ở vùng cao có nơi đang trong nguy cơ tái “trắng” chi bộ đảng...

Nhiều thôn, xóm chưa có chi bộ độc lập

Xét về cơ cấu tổ chức, tại các vùng có đông đồng bào theo đạo vẫn còn nhiều xóm chưa thành lập được chi bộ độc lập. Theo tổng hợp từ Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tính đến ngày 15/6/2016, toàn tỉnh có 168 xóm (thuộc 65 xã của 10 huyện, thành, thị) chưa đủ đảng viên tại chỗ để thành lập chi bộ độc lập. Trong đó có 76/168 xóm (chiếm 45,2%), chỉ có 1 - 2 đảng viên tại chỗ; 92/168 xóm (chiếm 54,8%) chưa có đảng viên tại chỗ, tăng 16 xóm so với đầu nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Để xóa “trắng” chi bộ, một số huyện đang triển khai tăng cường đảng viên là cán bộ, công chức cấp xã về các xóm để thành lập chi bộ, cụ thể đang tăng cường 498 đảng viên về 125/168 xóm (có 62 xóm phải tăng cường 100% đảng viên); 13 xóm sinh hoạt ghép và hiện còn 30 xóm chưa có chi bộ. 

Quá trình tìm hiểu thực tế, thấy rằng, vì nhiều lý do, việc phát triển đảng viên ở vùng đồng bào theo đạo còn gặp nhiều khó khăn, trong khi đó, ở các chi bộ tăng cường, chi bộ ghép tính ổn định không cao, nguy cơ tái “trắng” chi bộ có thể xảy ra khi số cán bộ công chức tăng cường nghỉ hưu hay chuyển nơi công tác, đảng viên cao tuổi xin miễn sinh hoạt vì ốm đau... Mặt khác, tình trạng “tre già mà măng chưa mọc” diễn ra ở nhiều nơi khiến các chi bộ thôn, xóm vùng có đông đồng bào theo đạo càng thêm khó khăn. 

Đồng chí Trần Văn Dương, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Thanh (xã giáo toàn tòng của huyện Quỳnh Lưu) cho biết: Trước năm 2015, xã “trắng” chi bộ ở cả 14/14 xóm. Từ tháng 10-2015, Đảng ủy tăng cường đảng viên là cán bộ, công chức cấp xã về xóm để thành lập 5 chi bộ; tính đến thời điểm hiện tại còn 9 xóm đang “trắng” chi bộ.

Riêng về tổ chức đoàn thể, mới chỉ có 3/14 xóm có chi hội hoặc liên chi hội Cựu chiến binh. Bên cạnh đó, nhiều vị trí chủ chốt cấp xã cũng chưa phải là đảng viên; bao gồm: Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Chủ tịch HĐND xã, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Chủ tịch Hội Nông dân, Trưởng công an, Trưởng quân sự... Ban Chấp hành Đảng ủy xã cũng đang khuyết 2 Đảng ủy viên.

Còn ở xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu (địa phương có hơn 50% dân số theo đạo công giáo, 5 xóm giáo toàn tòng), toàn Đảng bộ có 204 đảng viên, nhưng chỉ có 1 đảng viên là người công giáo. Theo lãnh đạo xã này thì trong vòng 20 năm trở lại đây, Đảng bộ chỉ kết nạp được duy nhất 1 đảng viên công giáo. Hiện tại, cả 5 xóm giáo đều phải tăng cường đảng viên từ xã về để thành lập chi bộ. 

Thực tế, ở những nơi chưa thành lập được chi bộ, thiếu hạt nhân lãnh đạo, hệ thống chính trị hoạt động yếu đã đành; tại một số chi bộ tăng cường, chi bộ ghép, chất lượng hoạt động cũng chưa cao, chưa tạo chuyển biến đáng kể. Có những chi bộ được thành lập 5-10 năm nay nhưng chưa phát triển được đảng viên tại chỗ để thành lập chi bộ độc lập, có nơi 1 chi bộ tăng cường phải lãnh đạo 2 - 3 xóm, hoặc ghép nhiều xóm lại với nhau. Cũng do tăng cường, một số đảng viên chưa sâu sát địa bàn nên chưa phát huy được năng lực trong vận động quần chúng, nắm bắt tình hình ở cơ sở. Đối với đảng viên tại chỗ, một số được phân công giữ các chức vụ chủ chốt tích cực hoạt động, số khác hoạt động cầm chừng không thể hiện được vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên. Hoạt động của ban cán sự và các tổ chức đoàn thể nhân dân ở một số cơ sở còn hạn chế. 

Theo đồng chí Bùi Thị Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Yên: Khi có vấn đề phát sinh ở cơ sở thì bộ máy ở thôn, xóm vùng giáo có nơi gần như không phát huy được vai trò nhiệm vụ, dẫn đến nhiều cán bộ chi hội đoàn thể xin rời vị trí đang đảm nhận. Mỗi lần như vậy, cấp ủy lại phải tìm người để thay thế rất vất vả. Và khi ban cán sự xóm và trưởng, phó các chi hội trong hệ thống chính trị ở cơ sở tính ổn định thấp, thường xuyên biến động, thì hoạt động lại càng khó khăn...

Đó cũng là thực tế chung tại một số địa bàn vùng giáo hiện nay. Lãnh đạo một số địa phương cho hay: Việc bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên là người công giáo đã khó, một số đảng viên đã kết nạp nhưng sau đó vì nhiều lý do nên bỏ sinh hoạt, một số vi phạm pháp luật về chính sách dân số phải xóa tên… Đây là những vấn đề khó khăn, khiến chi bộ vùng giáo có nguy cơ tái “trắng” cao, nếu như không có biện pháp, giải pháp đồng bộ.

Nguy cơ tái “trắng” chi bộ ở vùng cao

Đối với vùng miền núi dân tộc thiểu số của tỉnh, tuy về cơ bản đã xóa tình trạng “trắng” chi bộ thôn, bản, nhưng nguy cơ tái “trắng” vẫn hiện hữu. Theo đồng chí Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn: Nguyên nhân chính khiến công tác tạo nguồn, phát triển đảng còn gặp khó khăn ở Kỳ Sơn là do địa bàn rộng, nhận thức của đồng bào còn hạn chế, tình trạng di dịch cư, thanh niên đi làm ăn xa, lao động trái phép còn diễn ra. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác tạo nguồn, chưa xây dựng và phát huy được vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng.

Vì vậy, mặc dù được đánh giá là thực hiện khá tốt Kết luận số 10/KL-TU về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số, trong đó có công tác phát triển đảng viên và nâng cao năng lực sức chiến đấu của chi bộ thôn, bản. Tuy nhiên, đến thời điểm này Kỳ Sơn có 23 chi bộ thôn, bản (14 chi bộ có 3 đảng viên trở xuống) của 12 xã có nguy cơ tái trắng chi bộ, trong đó đông nhất là xã Na Ngoi 6 chi bộ (Ka Dưới, Xiềng Xí, Buộc Mú 2, Huồi Xài, Ka Nọi, Thăm Hón), xã Bắc Lý có 4 chi bộ (Kéo Phà Tú, Huồi Bắc, Kèo Nam, Cha Nga)...

Có những chi bộ 3 - 5 năm liền chưa kết nạp được đảng viên nào; có những chi bộ số lượng đảng viên tại chỗ ít, chủ yếu là đảng viên tăng cường như chi bộ bản Huồi Khói (xã Mường Típ) chỉ có 5 đảng viên, trong đó có 4 đảng viên là cán bộ xã, bí thư chi bộ là ông Xồng Xìa Mà năm nay đã gần 80 tuổi. Chi bộ Nhãn Lỳ (xã Tà Cạ) cũng đứng trước nguy cơ tái trắng khi chỉ có 3 đảng viên tại chỗ.

Tìm hiểu thấy rằng, do tính chất đặc thù, ngoài công tác tạo nguồn phát triển đảng gặp khó, ở các xã khu vực biên giới của huyện Kỳ Sơn còn có tình trạng đảng viên bị xóa tên do không đóng đảng phí, di cư sang Lào, vắng nhiều kỳ không tham gia sinh hoạt.

Tại Chi bộ bản Nậm Khiên 1, xã Nậm Càn, trong năm 2015 có tới 3 đảng viên bị xóa tên do di cư sang Lào. Theo lãnh đạo địa phương, thì mặc dù công tác tuyên truyền, vận động được triển khai thường xuyên nhưng do phong tục tập quán cũng như nhận thức của người dân tình trạng di dịch cư sang Lào vẫn diễn ra, trong đó có cả cán bộ, đảng viên. Từ năm 2014-2015 trên địa bàn Kỳ Sơn có 102 đảng viên bị xóa tên trong đó chủ yếu là do tự ý bỏ sinh hoạt Đảng.

Ngoài Kỳ Sơn, các huyện có nguy cơ tái “trắng” chi bộ cao có thể kể đến Anh Sơn (20 chi bộ), Nghĩa Đàn (9 chi bộ)... Tại một số huyện miền núi khác tuy số chi bộ có nguy cơ tái “trắng” không nhiều, nhưng chất lượng sinh hoạt, năng lực, sức chiến đấu của các chi bộ thôn, bản chưa cao.

Tính đến ngày 25-6-2006, tổng số chi bộ có nguy cơ tái “trắng” của 21 huyện, thị trong toàn tỉnh là 108 chi bộ; trong đó chi bộ dưới 3 đảng viên tại chỗ là 14 (13%); chi bộ có 3 đảng viên là 38 (35,1%); chi bộ có 4 đảng viên là 56 (51,9%).

Theo đánh giá của Tỉnh ủy tại Đề án số 01- ĐA/TU ngày 10-8-2016, so với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, hoạt động của các chi bộ, nhất là chi bộ khối dân cư đang còn nhiều khó khăn. Việc kiện toàn, củng cố chi bộ ở một số nơi chưa được cấp ủy cơ sở quan tâm, chỉ đạo kịp thời. 

Số thôn, xóm vùng giáo chưa có chi bộ, chưa có đảng viên còn nhiều. Số đảng viên là người có đạo được kết nạp hàng năm giảm. Số chi bộ đảng viên có độ tuổi cao, già yếu được miễn sinh hoạt đang có chiều hướng gia tăng, trong lúc nguồn phát triển đảng viên hạn chế dẫn tới nhiều khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ. Đặc biệt, do thiếu vai trò lãnh đạo của Đảng nên nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và các hoạt động của các tổ chức đoàn thể ở những khối, xóm chưa có chi bộ gặp nhiều hạn chế so với những nơi có cùng điều kiện. Có nơi còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp...

Dấu hiệu nhận biết các khối, xóm có nguy cơ không còn chi bộ: (1) các xóm có chi bộ dưới 5 đảng viên tại chỗ, (2) có nhiều đảng viên trên 60 tuổi, ( 3) trong vòng 5 năm trở lại đây không kết nạp được đảng viên và dự kiến nguồn phát triển đảng viên trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn.

NHÓM P.V


Bài cuối:  Để xóa' yếu, giảm 'trắng' bền vững

Từ thực trạng chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị vùng đặc thù và nguy cơ tái “trắng” chi bộ, ngày 10/8/2016, Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Đề án số 01-ĐA/TU về “Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2012-2020” với nhiều giải pháp đồng bộ.

Mục tiêu trọng tâm của Đề án số 01-ĐA/TU do Tỉnh ủy Nghệ An ban hành (từ đây gọi là Đề án 01) là tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, gắn với thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới, từng bước giảm số lượng xóm chưa có chi bộ, chưa có đảng viên tại chỗ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực và trách nhiệm, đoàn kết, gắn bó mật thiết với nhân dân, chủ động phát hiện và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề khó khăn, vướng mắc xảy ra từ cơ sở.

Đồng chí Lê Quốc Khánh, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Để đưa Đề án 01 đi vào cuộc sống có hiệu quả, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập ban chỉ đạo đề án, ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện và tổ chức quán triệt các nội dung của đề án, giao nhiệm vụ cụ thể cho cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị; tổ chức hội nghị cấp tỉnh quán triệt các nội dung của đề án. Đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện tại các đơn vị. Đến nay, nhiều địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, vận dụng linh hoạt với thực tiễn địa phương trên nền tảng các đề án đã và đang thực hiện trước đây.

Chọn nơi yếu để tập trung chỉ đạo

Tại huyện Tân Kỳ, với đặc thù của một địa phương vừa có đồng bào theo đạo công giáo (chiếm 0,38%), vừa có đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 21,07% dân số toàn huyện). Ban Thường vụ Huyện ủy luôn xác định việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với việc vận động 37 ngành, đơn vị, cơ quan đăng ký giúp đỡ các xã theo phương thức “yếu đâu bù đó”, huyện ban hành nhiều quyết định, đề án, kế hoạch xây dựng các mô hình điểm với cách làm cụ thể.

Tân Hương là xã vùng giáo đặc biệt khó khăn được huyện chọn làm một trong những đơn vị điểm để tập trung chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Bên cạnh việc điều động cán bộ huyện tăng cường về làm chủ tịch xã này, Huyện ủy Tân Kỳ còn chỉ đạo Đảng ủy xã kiện toàn lại 100% đội ngũ đoàn thể, điều chuyển 12 cán bộ, đảng viên về sinh hoạt tại 6 chi bộ yếu và thiếu đảng viên nhằm tăng thêm hạt nhân lãnh đạo và nòng cốt trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các chi bộ. Việc cử cán bộ về tham gia sinh hoạt tại các chi bộ khối nông thôn đã tạo nên chuyển biến mạnh mẽ, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở Tân Hương.

Tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên ngày càng tăng lên (cựu chiến binh đạt 97,13% tăng 2%, đoàn thanh niên 64,5% tăng 15%); kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực, thu nhập bình quân đầu người  năm 2015 đạt 15 triệu đồng/người, tăng 3,5 triệu đồng so với năm 2013. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 2%/năm.

Một số vấn đề bức xúc, nổi cộm tại cơ sở như: về điện, ô nhiễm môi trường, đất đai, chính sách xảy ra tại thôn, xóm được tập trung xử lý, tạo niềm tin trong nhân dân. Chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên, vai trò hạt nhân chính trị của chi bộ đảng và ý thức trách nhiệm của đảng viên được nâng cao. Sau khi được chọn làm điểm, Tân Hương kết nạp được 9 đảng viên mới trong đó có 3 đảng viên vùng giáo. Hiện nay xã này chỉ còn 2/12 xóm có giáo dân có nguy cơ tái “trắng” chi bộ là xóm 11 và xóm 12.

Ông Phan Văn Giáp - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Kỳ cho hay: Trên cơ sở kế hoạch thực hiện Đề án 01-ĐA/TU của Tỉnh ủy và Kết luận số 84-KL/HU của BCH Đảng bộ huyện Tân Kỳ, huyện tiếp tục thực hiện xây dựng hệ thống chính trị cơ sở với phương châm “vững mạnh toàn diện, bền vững thực chất”. Phấn đấu đến năm 2020 có trên 80% tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có yếu kém, xóa bền vững những chi bộ có nguy cơ tái “trắng”.

Làm tốt công tác cán bộ

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “cán bộ nào, phong trào ấy”, huyện Yên Thành xác định vấn đề cốt lõi trong củng cố hệ thống chính trị chính là công tác cán bộ. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Thành - đồng chí Nguyễn Viết Hưng: Muốn có cán bộ tốt thì phải phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn từ cơ sở. Trước hết cần phải quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ tại chỗ “lấy sức ta để giải phóng cho ta”. 

Thực tế trong thời gian qua, huyện Yên Thành chú trọng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ từ cấp cơ sở. Nhờ đó, chất lượng cán bộ cấp xã ở Yên Thành có nhiều chuyển biến tốt. Tính chung toàn huyện, trong tổng số 413 cán bộ chuyên trách cấp xã thì có 192 người có trình độ đại học, cao đẳng; 132 cán bộ trung cấp. Về chính trị có 49 người có trình độ cử nhân, cao cấp; 273 người có trình độ trung cấp.

Riêng cấp ủy cấp xã, nhiệm kỳ 2015 – 2020 có 585 cấp ủy viên, trong đó có 362 người có trình độ đại học, chiếm gần 62%. Về công chức, 458 người thì có 236 đại học, cao đẳng và 220 trung cấp; 2 cử nhân chính trị và 137 trung cấp chính trị. Gắn đào tạo, Yên Thành cũng chú trọng tăng cường cán bộ có năng lực, ý thức trách nhiệm cao từ huyện về nắm giữ vị trí chủ chốt ở một số địa phương có phong trào yếu hoặc thiếu cán bộ có năng lực. Sau Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay, huyện đã luân chuyển 2 cán bộ huyện về làm lãnh đạo ở 2 xã vùng giáo. 

Đối với xã Công Thành - nơi có 46% dân số theo đạo thiên chúa, trong đó có 7 xóm giáo toàn tòng, theo Bí thư Đảng ủy xã - đồng chí Nguyễn Văn Thuận: Ở địa bàn nào, chức sắc, chức việc có nhận thức tốt, biết hài hòa giữa công việc của Hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ với công việc của địa phương thì hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở thuận lợi và ngược lại. Bởi vậy, vấn đề đặt ra cho cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị ở các địa bàn này phải nỗ lực trau dồi về trình độ mọi mặt, kỹ năng công tác, kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục; giữ mối quan hệ tốt với chức sắc, chức việc giáo hội đồng hành vì mục tiêu chung: “Tốt đời, đẹp đạo”.  

Đồng chí Hoàng Văn Bộ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳnh Lưu - một trong 3 đơn vị Tỉnh ủy chọn làm điểm để triển khai Đề án 01 (cùng với các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên) cũng cho rằng: Hiện nay điều quan trọng nhất trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở là việc phát triển đảng viên tại chỗ để các xóm đều có đảng viên và thành lập chi bộ độc lập, đảm bảo vai trò hạt nhân lãnh đạo ở cấp này. Gắn với đó là việc kiện toàn ban chỉ huy xóm và các chi hội, chi đoàn; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, tạo phong trào để thu hút đoàn viên, hội viên tham gia, qua đó phát hiện nhân tố bồi dưỡng cho Đảng.

Từ thực tiễn cơ sở, đồng chí Nguyễn Danh Hạnh - Bí thư Chi bộ xóm 12, xã Bảo Thành (huyện Yên Thành) nêu vấn đề: Muốn củng cố chất lượng  hệ thống chính trị cơ sở vùng đặc thù không chỉ nằm ở việc nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy, cán bộ mà còn phải đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, phong cách làm việc của cán bộ và xử lý tốt mối quan hệ với nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên nằm trong hệ thống chính trị cơ sở cần phải tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân thông qua những hành động “nói đi đôi với làm”; phải thật sự sâu sát cơ sở, gần dân, hiểu dân, trọng dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Bởi đây là những con người, là tổ chức gần dân nhất...

Đồng tình với quan điểm này, đồng chí Hoàng Văn Phi - Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên cho biết: Huyện thường xuyên chăm lo bồi dưỡng phát triển đội ngũ đảng viên, cán bộ cốt cán làm nòng cốt giúp đỡ quần chúng nhân dân thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đến nay, toàn huyện có 120 đảng viên là người có đạo trải đều trên 16/23 xã, thị trấn có đồng bào tôn giáo. Kinh nghiệm cho thấy những  xóm nào, xã nào có cán bộ cốt cán, đảng viên vững vàng, sự lãnh đạo đoàn kết thống nhất, thì nơi đó chi bộ và các chi hội đoàn thể phát huy được vai trò trung tâm đoàn kết, hướng người dân vào hoạt động tôn giáo đúng pháp luật, ít có vi phạm xảy ra. 

Bởi vậy, làm tốt công tác dân vận, giữ mối quan hệ tốt với đội ngũ chức sắc, chức việc; gây dựng những mô hình, nhân tố tốt để nhân rộng là một trong những giải pháp mà Đảng bộ huyện Hưng Nguyên đã và đang triển khai trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vùng đặc thù, trong đó trọng tâm là các chi bộ vùng có đông đồng bào theo đạo. Cũng nhờ cách làm này, đến nay Hưng Nguyên chỉ còn 4 chi bộ có nguy cơ tái “trắng” là Bắc Phúc Long, Kẻ Gai, Hưng Thịnh 3 (Hưng Tây) và xóm 8 (Hưng Trung)…

Bên cạnh việc chăm lo đội ngũ cốt cán vùng giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Đề án 01 cũng đã nêu rõ: Xây dựng chính sách ưu tiên trong thu hút, tuyển dụng công chức, viên chức xã là giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, đội ngũ y, bác sỹ trạm y tế có đủ tiêu chuẩn, có hộ khẩu thường trú tại các địa phương còn xóm chưa có chi bộ và địa phương có nguy cơ tái xóm không có chi bộ để bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên mới và quy hoạch bổ sung cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã.

 

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Cùng với xây dựng, củng cố nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các chi bộ và  phát huy vai trò các tổ chức, đoàn thể, nhiều ý kiến cho rằng, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm đầu tư phát triển kinh tế -  xã hội ở vùng đồng bào có đạo, vùng dân tộc thiểu số, tập trung vào khai thác thế mạnh của mỗi địa phương; huy động tổng hợp các nguồn lực thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Từ đó nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân, đảm bảo cuộc sống ấm no, ổn định, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng. 

Trong Đề án 01 Tỉnh ủy cũng đã giao trách nhiệm cho Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo ban hành bộ tiêu chí, cơ chế và nguồn lực xây dựng nông thôn mới đối với các xóm vùng giáo, vùng khó khăn của tỉnh. Trước mắt tập trung tại 168 xóm chưa có chi bộ, chưa có đảng viên… Tuy nhiên, để đề án thực sự “bén rễ” vào cuộc sống một cách có hiệu quả cần sự vào cuộc đồng bộ, lâu dài, vận dụng linh hoạt của các ngành các cấp, các địa phương. Trong đó chú trọng tạo nguồn kết nạp đảng viên mới, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và sức chiến đấu của các chi bộ vùng đặc thù.

Chỉ tiêu Đề án 01 là phấn đấu đến năm 2020:

- Có trên 50% xóm chưa có đảng viên, chưa có chi bộ kết nạp được đảng viên mới; giảm 50% số xóm chưa có chi bộ và 50% số xóm có nguy cơ không còn chi bộ.

- 100% xóm được kiện toàn củng cố và thành lập được chi đoàn, chi hội thanh niên, chi hội phụ nữ, chi hội nông dân.

- Trên 90% cán bộ trưởng, phó các đoàn thể chính trị xã hội cấp xã, phường, thị trấn và 60% xóm trưởng là đảng viên.


Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất