Thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và những đổi thay trên quê lúa Thái Bình
Người nông dân Thái Bình tham gia hội nghị tư vấn, đối thoại do BHXH tỉnh Thái Bình tổ chức

Những con số

Năm 2013, toàn tỉnh Thái Bình chỉ có 1.218.076 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) chiếm 68,11% dân số. Đến hết năm 2016, con số này đã đạt 1.460.619 người tham gia chiếm 81,57% dân số. Tại thời điểm 30/9/2017, toàn tỉnh có 1.518.558 người tham gia BHYT chiếm 84,76% dân số. Đạt tỷ lệ tham gia BHYT cao nhất trong các năm qua là nhóm học sinh, sinh viên, năm học 2016-2017 có 100% số trường với 269.404 học sinh tham gia, đạt 99,98%.

Đi đôi với việc phát triển, mở rộng diện bao phủ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT, công tác thu của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình hằng năm cũng đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Cụ thể: Năm 2013 thu 1.967,73 tỷ đồng, năm 2016 thu 3.008,9 tỷ đồng đạt 102% kế hoạch giao; dự kiến năm 2017 thu 3.239,192 tỷ đồng. Thái Bình luôn đứng trong tốp 05 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nợ BHXH, BHYT thấp nhất trên toàn quốc (năm 2013 nợ 2,06%, năm 2014 giảm còn 1,9%, năm 2015 là 1,31% và năm 2016 chỉ còn 1,28% so với kế hoạch thu).

Quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT của người dân luôn được bảo đảm. Theo thống kê, năm 2013 có 1.764.360 lượt khám chữa bệnh được thanh toán BHYT; đến năm 2016, số lượt khám, chữa bệnh được thanh toán BHYT trên địa bàn tỉnh là 2.351.656 lượt; dự kiến con số trong năm 2017 là trên 2.700.000 lượt.

Trong 5 năm, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình đã giải quyết chế độ BHXH cho 296.899 người và lượt người. Trong đó, giải quyết hưu trí và trợ cấp BHXH cho 69.213 người; giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức cho 227.686 lượt người; giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 28.000 người. Tổng số tiền chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH là trên 16.000 tỷ đồng; ước năm 2017 là trên 3.900 tỷ. Hiện Bảo hiểm xã hội tỉnh đang thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng cho 99.000 người trên địa bàn toàn tỉnh.

Chuyển biến từ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW

Từ những con số vừa nêu có thể thấy được an sinh xã hội của người dân, trong đó trụ cột là chính sách BHXH, BHYT đã được bảo đảm vững chắc trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong các năm gần đây, nhất là từ năm 2013 trở lại đây. Có được những kết quả này là do quá trình vào cuộc của các cấp uỷ Đảng và chính quyền trong toàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020.

Để cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chủ động tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chương trình hành động số 26-CTr/TU ngày 08/5/2013 về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020"; tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1950/QĐ-BHXH ngày 05/9/2013 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 26-CTr/TU. Phối hợp với Sở Y tế tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp thứ 11 Hội đồng nhân dân tỉnh (khoá XV) thông qua Chỉ tiêu bao phủ BHYT năm 2016 và giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

Theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 21-NQ/TW, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Thái Bình với công tác BHXH, BHYT ngày càng tích cực hơn. Bên cạnh Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2013-2017, đã có trên 120 văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác BHXH, BHYT.

Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch, đưa chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT vào chương trình công tác hằng năm để chỉ đạo thực hiện. Các huyện đã linh hoạt lồng ghép chỉ tiêu phát triển BHYT trong chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, tạo công ăn việc làm cho người lao động, nhất khu vực nông thôn…, nên chính sách phát triển BHXH, BHYT được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Công tác tuyên truyền thực hiện chính sách BHXH, BHYT cũng được các ngành, các cấp quan tâm. Từ năm 2013 đến nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 78 hội nghị tư vấn, đối thoại về chính sách BHXH, BHYT cho trên 23.000 người là cán bộ quản lý các hợp tác xã dịch vụ điện năng, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, quỹ tín dụng, cán bộ công đoàn, công nhân lao động, cán bộ, hội viên Hội liên hiệp phụ nữ, cán bộ, hội viên Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu phát triển mới

Những kết quả đạt được trong công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trong 05 năm vừa qua là tiền đề quan trọng đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, tạo nền tảng vững chắc để Thái Bình tiếp tục phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, với đặc thù là một tỉnh thuần nông, Thái Bình cũng gặp phải không ít thách thức trong công tác phát triển mở rộng diện bao phủ, nhất là với BHXH. Hiện tỷ lệ tham gia BHXH mới chỉ đạt khoảng 15% lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh.

Hướng tới năm 2020, BHXH tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu: Có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN, trên 90% dân số tham BHYT; quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối Quỹ BHYT.

Để đạt được mục tiêu vừa nêu, thời gian tới BHXH tỉnh Thái Bình xác định rõ phải tiếp tục triển khai sâu rộng Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng và chính quyển các cấp trong việc triển khai và tổ chức thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và Luật BHXH sửa đổi. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của BHXH Việt Nam trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tổ chức thực hiện tốt việc phát triển đối tượng theo quy định của Luật và lộ trình phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đôn đốc thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN và thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động trong việc chấp hành Bộ Luật Lao động, Luật BHXH, Luật BHYT. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu nộp BHXH, BHYT, BHTN được giao hằng năm.

Tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính. Lấy phương châm phục vụ là chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ cho công tác quản lý, giải quyết tốt chế độ chính sách cho đối tượng tham gia; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, nâng cao chất lượng KCB từ tuyến cơ sở đến tuyến tỉnh, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ khi đi KCB.

Quan tâm đến công tác đào tạo, đào tào lại cũng như đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ công chức, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội, để có đủ trình độ chuyên môn, có đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ được giao và yên tâm cống hiến cho sự nghiệp phát triển BHXH, BHYT.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đưa chính sách BHXH, BHYT đến với mọi tầng lớp nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ định hướng tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên tại cơ sở, các cơ quan thông tin đại chúng về chủ trương, chính sách BHXH, BHYT mới, về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, để các tầng lớp nhân dân hiểu và đồng thuận thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT. Tăng cường tổ chức tập huấn kỹ năng truyền thông cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên tuyên truyền về BHXH, BHYT tại cơ sở.

Hằng năm, chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác tuyên truyền BHXH, BHYT; bố trí kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác tuyên truyền BHXH, BHYT tại BHXH các huyện, thành phố.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp vừa nêu, chắc rằng an sinh xã hội tại Thái Bình sẽ được đảm bảo, góp phần không nhỏ trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Nhâm Sen

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất