Tác phẩm đoạt giải

Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo

Ngày 22-9-2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW (sau đây gọi chung là Kết luận 14) về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Với thông điệp chính trị thiết thực, sâu sắc, Kết luận 14 là cơ sở quan trọng cho việc cụ thể hóa cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng  tạo vì lợi ích chung.

Bài 1: Thắp lửa khát vọng từ những mô hình thí điểm

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích, khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo, phát huy tối đa tài năng, trí tuệ, tâm huyết của cán bộ, đảng viên và nhân dân để cống hiến cho sự nghiệp chung, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Những thành tựu to lớn qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đã đưa nước ta từ một nước có nền kinh tế lạc hậu, kém phát triển trở thành một quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Thành quả đó có một phần quan trọng từ việc phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có tư duy, cách làm sáng tạo, đột phá để triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng.

Từ cơ chế “làm thử” đến yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ

Những năm trước đổi mới, Đảng ta đã đặt ra yêu cầu về tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Văn kiện Đại hội V của Đảng đã đặt ra tiêu chuẩn đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước ở các cấp, các ngành, các đơn vị là cần phải có “tinh thần dám quyết định và dám chịu trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ”(1). Đồng thời, với những vấn đề mới, khó, phức tạp và đặc biệt quan trọng thì “cần được Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo làm thử, lấy kết quả thực tế của việc làm thử mà ra quyết định”(2). Trong điều kiện thực tiễn thời điểm đó, cơ chế “làm thử” là cần thiết, kịp thời giải quyết những yêu cầu cấp thiết của cuộc sống, đồng thời cung cấp những cơ sở thực tiễn quan trọng cho việc hoạch định đường lối, chính sách.

Tới Đại hội VI, Đảng ta đã khẳng định: “Đối với nước ta, đổi mới đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn”(3). Đồng thời, để hiện thực hóa những nhiệm vụ cấp bách của giai đoạn cách mạng mới, Đảng cũng yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải “… dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm”(4). Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được khởi động từ Đại hội VI (năm 1986) cũng bắt nguồn từ chính những tư duy, cách làm đột phá, sáng tạo trong thực tiễn và được khẳng định.

Trước yêu cầu cấp thiết về nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó nhấn mạnh tiêu chuẩn “năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và vì nhân dân phục vụ”. Văn kiện Đại hội XIII xác định rõ một trong những nhiệm vụ về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là “…có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”(5). Đồng thời, thúc đẩy thể chế đổi mới sáng tạo cũng được xác định là một trong những nội dung cốt lõi trong đột phá chiến lược thứ nhất về hoàn thiện thể chế phát triển những năm tới.

Những mô hình thí điểm hiệu quả trong thực tiễn

Một trong những chủ trương thí điểm được thực hiện có hiệu quả, phù hợp với đường lối đổi mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước đó là kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng. Tháng 4/2006, Đại hội X đã cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân(6). Đến tháng 1/2011, tại Đại hội lần thứ XI, Đảng đã có chủ trương “Thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”(7). Đây là bước phát triển trong nhận thức và sự đổi mới trong tư duy lý luận quan trọng của Đảng, góp phần tăng cường trí tuệ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thành phần kinh tế quan trọng này. Sau hơn 8 năm tiến hành thí điểm kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ điều kiện, trong phạm vi doanh nghiệp vừa và nhỏ, ở các đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào Đảng, Trung ương đã tổng kết, rút kinh nghiệm, bỏ chủ trương thí điểm. Từ đối tượng, phạm vi hẹp chuyển sang thực hiện thống nhất việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng trong toàn Đảng, không phân biệt quy mô của doanh nghiệp. Đội ngũ đảng viên tiếp tục được xây dựng, củng cố và phát triển gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân.

Trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có nhiều vấn đề khó, phức tạp, đòi hỏi thận trọng trong từng bước triển khai. Thực hiện thí điểm là việc cần làm, từ đó cung cấp cơ sở thực tiễn vững chắc để Đảng, Nhà nước tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp thực tế. Một trong những minh chứng đó là việc thí điểm về tổ chức chính quyền địa phương. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X (năm 2005) đề ra yêu cầu xây dựng tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, trong đó đề ra giải pháp thực hiện thí điểm việc không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Sau đó, Quốc hội có Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15-11-2008, trong đó, quy định thực hiện chủ trương này tại 10 tỉnh, thành phố(8), thời gian từ tháng 4-2009 đến tháng 6-2015. Căn cứ kết quả thực hiện thí điểm, xem xét kỹ những điểm tích cực và một số hạn chế, bất cập, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, trong đó quy định chấm dứt việc thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân ở huyện, quận, phường. Tiếp đó, Quốc hội đã xem xét, sửa đổi, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (năm 2019) và các nghị quyết cho phép thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhiều chương trình, mô hình thí điểm cũng đã được triển khai ở các cấp, như mô hình Hội đồng trẻ em cấp tỉnh giai đoạn 2017-2020; thí điểm nhiệm kỳ đại hội Đoàn tại một số khu vực đặc thù do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện; mô hình “Người nông dân chuyên nghiệp” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp; thí điểm thương lượng tập thể nhóm doanh nghiệp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam...

Thôi thúc khát vọng phát triển

Đại hội XIII diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường với cơ hội và thách thức đan xen. Nhiều vấn đề mới, mâu thuẫn mới nảy sinh trong thực tiễn mà thể chế pháp luật hiện hành chưa thể bao quát hết; một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định, nhất quán. Trong khi đó, Đại hội XIII có sứ mệnh định hướng đất nước ta phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu đó đòi hỏi phải có một đường lối phát triển vững vàng nhưng linh hoạt, phát huy tối đa mọi nguồn lực và sức sáng tạo của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là lực lượng đi đầu, là động lực của cả hệ thống chính trị, càng cần phải thể hiện vai trò nòng cốt, năng động, sáng tạo nhất để hoàn thành mục tiêu phát triển đất nước. Đại hội XIII tiếp tục khẳng định yêu cầu phải “Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”(9).

Kết luận số 14 được ban hành kịp thời, phù hợp với yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, cụ thể hóa một cách thiết thực Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây là chủ trương mang tính chất đột phá và kỳ vọng xây dựng được một đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, có uy tín cao và thật sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết. Khi các cấp, các ngành quyết liệt triển khai, đưa chủ trương này vào cuộc sống sẽ tạo động lực mạnh mẽ phát triển đất nước.

-----

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tập 43, tr.340.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, sđd, tập 43, tr.343.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 47, tr.459.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, sđd, tập 49, tr.277.

(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, trang 179.

(6) Quy định số 15-QĐ/TW ngày 28-8-2006 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về đảng viên làm kinh tế tư nhân.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, website: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn, 2011.

(8) Gồm Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị, Đà Nẵng, Phú Yên, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang.

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.42.

HÀ QUÝ

 

Bài 2: Động lực và lá chắn

 Khó khăn, thách thức ngày càng tăng, trong đó phải kể đến ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, càng đòi hỏi đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý phải không ngừng đổi mới và bứt phá. Kết luận 14 vừa là động lực, cũng là lá chắn, là hành trang cho cán bộ vững tin cống hiến, phát huy bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, thực hiện trọng trách, sứ mệnh với đất nước.

Đề ra yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu phải nâng cao nhận thức, có cái nhìn đúng đắn, sâu sắc về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, Kết luận 14 tạo tiền đề vững chắc để cấp có thẩm quyền quyết đoán, quyết liệt hơn đối với những đề xuất, ý tưởng sáng tạo, đột phá vì lợi ích chung.

Động lực để bứt phá

Thực tiễn cho thấy, một bộ phận cán bộ có tâm lý ngại đổi mới, an phận thủ thường, chỉ thực hiện “đúng vai, thuộc bài”. Lâu dần, quanh quẩn trong “vùng an toàn” cho nên có nơi, có lúc, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu thờ ơ với đổi mới, sáng tạo, thậm chí tỏ ra e ngại, né tránh việc đưa ra những đánh giá khách quan, toàn diện hay quyết định chủ trương thực hiện những ý tưởng, đề xuất đó. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng khi chưa có căn cứ pháp lý, thực tiễn cụ thể, cấp ủy, tổ chức đảng vấp phải nhiều khó khăn, nghi ngại trong việc đưa ra quyết định phê duyệt ý tưởng, đề xuất sáng tạo, bởi đổi mới thường gắn liền với rủi ro, nếu không cân nhắc, suy xét, tính toán thật kỹ lưỡng, thấu đáo dễ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Kết luận 14 khẳng định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chính là thống nhất ý chí trong toàn Đảng, sự đồng thuận của toàn xã hội, thực hiện chủ trương khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, đặc biệt chú trọng vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn.

Để hiện thực hóa những ý tưởng, đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ cần có điều kiện, môi trường thuận lợi, hỗ trợ về vật chất và tinh thần. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện; định kỳ sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng xứng đáng, nhân rộng đối với những mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả… Việc xây dựng cơ chế này dựa trên các quy định của Đảng và Nhà nước về khuyến khích cán bộ tài năng, có thành tích trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần quan tâm, ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao, mang lại sản phẩm cụ thể; các cơ quan chức năng thể chế hóa thành quy định pháp luật, xây dựng căn cứ pháp lý cho việc nhân rộng các mô hình, giải pháp sáng tạo, hiệu quả của cán bộ. Bảo vệ cũng là cơ chế hiệu quả, một hình thức khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo. Việc bảo vệ cán bộ trước những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình đổi mới, sáng tạo sẽ giúp cán bộ có động lực, niềm tin, yên tâm, mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, dám đột phá.

Lá chắn trước rủi ro

Những năm qua, thực tiễn xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân cho thấy, mặc dù mô hình tổng thể phát triển đất nước ngày càng sáng rõ, hoàn thiện nhưng việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn gặp không ít khó khăn, rào cản. “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta thực hiện còn chậm. Một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định, nhất quán; còn có biểu hiện lợi ích cục bộ, chưa tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển”(1). Quá trình tổ chức thực hiện chứa đựng nhiều rủi ro, dễ dẫn đến sai sót, thiệt hại, đòi hỏi cán bộ phải có bản lĩnh, quyết tâm cao, có ý tưởng và cách làm mới, mạnh dạn đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt nhằm tạo chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực. Kết luận 14 đã kịp thời đưa ra “lá chắn” bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo trước những rủi ro có thể gặp phải.

Kết luận 14 chỉ rõ đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đây là cơ chế bảo vệ hiệu quả nhất bởi việc báo cáo với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định là một hình thức hợp pháp hóa những ý tưởng, đề xuất sáng tạo của cán bộ. Đồng thời, việc cho chủ trương của cơ quan có thẩm quyền có vai trò như một sự bảo lãnh chính trị đối với đề xuất của cán bộ. Nếu kết quả của việc triển khai không đạt hoặc chỉ đạt một phần mục tiêu đề ra thì việc đã trình xin ý kiến và được cấp ủy, tổ chức đảng cho chủ trương thực hiện là căn cứ quan trọng để xem xét hình thức miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm đối với cán bộ một cách phù hợp.

Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII khẳng định “Những việc đã rõ, cần thực hiện thì thực hiện ngay; những việc mới, chưa được quy định, hoặc những việc đã có quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn chỉ đạo thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội”(2). Thấm nhuần những bài học kinh nghiệm quý và bám sát yêu cầu thực tiễn, Đảng ta đã khẳng định cán bộ cần chủ động và tích cực để đột phá vào những nội dung chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng không còn phù hợp thực tiễn. Việc thực hiện những nội dung này phải dưới hình thức thí điểm sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép. Đây là cơ chế rất quan trọng bởi việc thí điểm sẽ giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro, sai sót dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Việc nắm tình hình, cảnh báo về những nguy cơ rủi ro, phát hiện những sai sót, vi phạm của cán bộ trong quá trình thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo là hết sức quan trọng. Theo dõi, kiểm tra, giám sát để động viên, khích lệ; đồng thời phát hiện những sai sót, vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện đổi mới, sáng tạo để kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đồng nghĩa với việc phát hiện sớm những vấn đề nảy sinh: Có khó khăn, vướng mắc thì tích cực giúp đỡ, hỗ trợ tháo gỡ; có sai sót, vi phạm thì kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh.

Kết luận 14 nhấn mạnh khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Việc xem xét bảo vệ từng trường hợp tương ứng với từng hình thức bảo vệ cần phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể, động cơ, tính chất, mức độ và hậu quả. Từ đó, cơ quan có thẩm quyền xem xét công tâm, khách quan, toàn diện để kịp thời quyết định hình thức bảo vệ phù hợp đối với cán bộ đổi mới, sáng tạo.

Kết luận 14 đã đón nhận sự quan tâm, đồng tình, hưởng ứng của toàn xã hội và được dự báo sẽ mang lại những hiệu ứng tích cực. Không chỉ nâng cao chất lượng công tác cán bộ theo hướng minh bạch, công khai, dân chủ, lựa chọn được cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Kết luận 14 góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng cán bộ sợ mắc sai lầm, khuyết điểm cho nên co cụm, đối phó, không dám đổi mới sáng tạo. Đây là động lực, niềm tin để cán bộ các cấp sẵn sàng tiếp thu những cái mới, tiến bộ, phá bỏ rào cản lối mòn trong nhận thức và hành động, lan tỏa mạnh mẽ, đẩy mạnh phong trào đổi mới, sáng tạo trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.

------

(1) Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

(2) Trích Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

MAI THỦY

Bài 3: Hiện thực hóa chủ trương

 Những nội dung của Kết luận 14 đánh dấu sự chuyển biến tích cực trong tư duy, nhận thức của toàn Đảng, toàn dân về yêu cầu cấp thiết của việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, có tâm huyết, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Việc nghiên cứu, cụ thể hóa những chủ trương lớn trong Kết luận 14 là cần thiết, bảo đảm thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện, sớm đưa Kết luận vào cuộc sống.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước ta đạt được qua hơn 35 năm đổi mới đã khẳng định đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, tinh thần năng động, sáng tạo và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có đóng góp rất quan trọng của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý có năng lực tổng kết thực tiễn sắc bén, tư duy đổi mới sáng tạo.

Thống nhất về nhận thức

Những năm qua, thực tiễn xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân cho thấy, mô hình tổng thể phát triển đất nước ngày càng sáng rõ, “hệ thống pháp luật bảo đảm cân đối, hài hòa trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”.

Xác định thúc đẩy thể chế đổi mới sáng tạo là một trong những nội dung cốt lõi trong đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế phát triển, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách làm cơ sở để Quốc hội, Chính phủ thể chế hóa, cụ thể hóa một số cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo như: Tôn trọng, động viên, biểu dương, khen thưởng tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo; hỗ trợ nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả hoạt động đổi mới, sáng tạo; khen thưởng xứng đáng; áp dụng, nhân rộng kết quả đổi mới, sáng tạo.

Đối với những đổi mới, sáng tạo liên quan những nội dung chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn thì Đảng, Nhà nước ta cho áp dụng cơ chế thí điểm. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước: Đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, Bộ Chính trị yêu cầu, cần khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Do đó, chủ trương xây dựng cơ chế tổng thể, đồng bộ, đủ mạnh để khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, đột phá, phát huy được trí tuệ, năng lực, bản lĩnh của cán bộ là thật sự cấp thiết.

Quyết tâm cao trong hành động

Để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong toàn Đảng và hệ thống chính trị, sau khi Kết luận 14 ban hành, các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành, cụ thể hóa các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo thẩm quyền để khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cần phải lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa của Kết luận, tích cực tuyên truyền để khơi dậy ý thức trách nhiệm, tinh thần cống hiến, khát vọng đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ; tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, nhân dân về đổi mới, sáng tạo. Trân trọng mọi ý tưởng đổi mới, sáng tạo của cán bộ; thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xem xét, đánh giá, cho chủ trương về kế hoạch, đề án đổi mới, sáng tạo. Đặc biệt, phải thường xuyên động viên, khích lệ, tạo cơ chế, môi trường, điều kiện thuận lợi để cán bộ mạnh dạn đề xuất, triển khai ý tưởng.

Đối với những ý tưởng, giải pháp đổi mới, sáng tạo thực hiện thí điểm, cần cân nhắc để triển khai trong phạm vi địa giới hành chính cụ thể, phù hợp với nội dung đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ. Ngoài xác định cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, lựa chọn địa bàn thí điểm thì cấp có thẩm quyền cho chủ trương xây dựng khung tiến độ ứng với từng giai đoạn thực hiện. Sau mỗi một giai đoạn thực hiện, cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền phối hợp với các cơ quan chuyên môn đánh giá kết quả, từ đó đưa ra những khuyến nghị phù hợp để triển khai trong những giai đoạn tiếp theo hoặc cho dừng thực hiện nếu việc triển khai có nguy cơ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Khuyến khích cán bộ hiến kế những cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, thậm chí là những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không còn phù hợp thực tiễn, miễn sao vẫn bảo đảm nguyên tắc không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng. Những giải pháp, mô hình thí điểm hiệu quả cao, có thể nhân rộng trong thực tiễn, cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải kịp thời kiến nghị với các cơ quan Nhà nước để xem xét, thể chế hóa thành quy định pháp luật tạo cơ sở pháp lý, nâng cao tính khả thi đối với mô hình, giải pháp này.

Cấp ủy, tổ chức đảng cần phải bám sát quá trình triển khai kế hoạch đổi mới, sáng tạo của cán bộ để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế; chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, những yêu cầu mới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ hoàn thành mục tiêu đề ra. Song hành với việc hỗ trợ, mở rộng không gian để cán bộ phát huy tối đa khả năng đổi mới, sáng tạo, cấp ủy, tổ chức đảng cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch. Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi lạm quyền, lộng quyền của người đứng đầu trong việc cho chủ trương đối với ý tưởng đổi mới, sáng tạo; hành vi lợi dụng việc khuyến khích và bảo vệ để trục lợi, phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, dung túng, bao che sai phạm; bảo đảm “phải trái phân minh” “nghĩa tình trọn vẹn”; không được “dĩ hòa vi quý”.

Đối với mỗi cán bộ, cần nêu cao, lan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo, khát vọng cống hiến vì sự phát triển bền vững của ngành, lĩnh vực, địa phương, quốc gia - dân tộc. Chủ động nghiên cứu những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn; tìm tòi, đổi mới, phát huy tiềm năng, thế mạnh của lĩnh vực, cơ quan, đơn vị được phụ trách; khuyến khích mô hình mới, cách làm hiệu quả. Tích cực, mạnh dạn giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn đọng kéo dài, khơi thông điểm nghẽn để bứt phá. Đồng thời, tích cực, nghiêm túc trong đề xuất, xây dựng, triển khai kế hoạch đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám đột phá và thực hiện đúng chủ trương được phê duyệt; thực hiện việc báo cáo theo quy trình, bảo đảm đầy đủ, trung thực, kịp thời với cơ quan có thẩm quyền về tình hình, kết quả thực hiện. Trường hợp thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại, cán bộ phải kịp thời báo cáo, chủ động khắc phục hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền về các biện pháp khắc phục thiệt hại.

Sát cánh, nâng niu, trân quý từng đóng góp của cán bộ, phát huy được sở trường, thế mạnh và biết chấp nhận rủi ro, kịp thời uốn nắn những khuyết điểm, sai sót của cán bộ trong quá trình triển khai đổi mới, sáng tạo là trách nhiệm của toàn Đảng. Đất nước đang đứng trước thời cơ, vận hội mới, toàn Đảng, toàn dân đón chờ những kỳ tích vẻ vang, làm rạng danh non sông, gấm vóc, như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Có đánh thức được tiềm năng và biến thành nguồn lực to lớn để xây dựng và bảo vệ đất nước hay không, điều đó phụ thuộc vào ý chí, nghị lực của toàn Đảng, toàn dân ta, của mỗi người Việt Nam chúng ta”

MINH ANH

Tác phẩm đoạt giải khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất